Người giữ hồn làng nghề truyền thống sơn mài, khảm tra chuyên mỹ

Không biết có từ bao giờ và ai là người đã sáng tạo ra nghề sơn mài khảm trai nơi đây. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, nghề sơn mài khảm trai ở xã Chuyên Mỹ ( Phú Xuyên- Hà Nội) đã trở nên nổi tiếng với những sản phẩm như tranh sơn mài nghệ thuật, hoành phi, câu đối khảm trai..Những sản phẩm được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo phong phú của những người thợ nơi đâykhông chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn vươn mình và tạo được chỗ đứng khá vững chắc ở thị trường trong nước và  thế giới.

Điểm dừng chân của chúng tôi là Công ty TNHH mỹ nghệ Thiên Lộc, chuyên sản xuất, kinh doanh đồ lưu niệm khảm trai. Tiếp chuyện chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hương chia sẻ về câu chuyện mà chỉ những người trong nghề mới hiểu.

Theo lời chị Hương, làng nghề sơn mài khảm trai có từ rất lâu đời, ước tính trên 1000 năm tuổi. Bản thân gia đình chị theo nghề tính đến nay cha truyền con nối đã qua 4 đời. Trước đây, nghề sơn mài chưa phát triển, bên cạnh nghề làm nông, gia đình chị cũng tự sản xuất rất vất vả. Năm 1993, chị quyết định mở cơ sở lớn hơn đề thuê thợ về sản xuất. Thời buổi kinh tế còn khó khăn, thời gian đầu chị phải đi xuống tận Hải Phòng, Quảng Ninh để bán những hộp khảm trai. Khó khăn đến mức, có những thời điểm hàng ế chị phải đi bán tôm tép trên chợ hàng Bè để lấy tiền thuê thợ làm “chị cười tâm sự”. Nhưng với lòng yêu nghề, yêu những sản phẩm sơn mài nghệ thuật xinh xắn do mình tạo ra, chị đã hạ quyết tâm phải theo và giữ lấy nghề của cha ông truyền lại.

Để cổ vũ chị, năm 2004, người con trai lớn của chị mang theo thợ đi vào Sài Gòn để mở xưởng sản xuất. Có cơ sở trong Nam lẫn ngoài Bắc, những sản phẩm mà cơ sở chị tạo ra không chỉ chinh phục được thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường của một số nước như Pháp, Balan, Dubai và phục vụ khách du lịch Châu Âu.

Giờ đây, cơ sở sản xuất của chị đã phát triển mạnh và cho thu nhập hàng tháng khoảng 400 đến 500 triệu, thu nhập bình quân hàng năm ước đạt 1 đến 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn tạo công ăn việc làm cho hơn 10 nhân công, với mức thu nhập khoảng 4 đến 5 triệu một người mỗi tháng. Không những thế chị còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, những buổi hội thảo để nâng cao tay nghề cho bản thân và trao đổi những kinh nghiệm với bạn bè, khách hàng và đặc biệt hơn chị còn là mạnh thường quân thường  xuyên tham gia các buổi  từ thiện của các sở, ban nghành để cùng giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình suy thoái kinh tế chung, sản phẩm sơn mài khảm trai cũng phải đổi mới để bắt kịp với nhu cầu của thị trường. Chị Hương cho biết, những sản phẩm nơi đây được chị và những người thợ tự mình thiết kế mẫu mã để cho ra những sản phẩm độc đáo thu hút khách hàng. Từ những vật tưởng chừng không có giá trị như vỏ trai, vỏ ốc nhưng qua bàn tay khéo léo của người thợ đã tạo hình tinh xảo để biến thành những sản phẩm xinh xắn được nhiều người ưa chuộng. Những người làm nghề như chị cũng cần có bí quyết riêng để sản phẩm của mình mang được cái độc đáo khác biệt với những nơi khác. Bên cạnh việc nâng cao tay nghề cho những người thợ, những chất liệu, nước sơn dùng để tạo sản phẩm cũng phải là dòng cao cấp và sản phẩm tạo ra cũng phải đăng ký để đảm bảo tính độc quyền.

Vừa qua, trong đợt vinh danh các làng nghề do huyện Phú Xuyên tổ chức, cơ sở của chị Hương đã được mời để tham dự và quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. Đối với những người làm nghề như chị, đây là một cơ hội để quảng bá sản phẩm của mình rộng rãi hơn nữa trong cả nước.

Nói về hướng đi mới trong tương lai sắp tới, chị Hương cho biết sẽ đổi mới chiến lược kinh doanh, thay đổi mẫu mã để đem sản phẩm của mình vươn xa hơn nữa. Bên cạnh đó, chị cũng muốn nhà nước, các cấp chính quyền tạo điều kiện về mặt hành chính cũng như giúp đỡ cho vay vốn để những cơ sở sản xuất như chị có thể phát triển hơn nữa trong việc kinh doanh mang những sản phẩm độc đáo, truyền thống của cha ông với nét văn hóa mang đậm nét hồn quê Việt Nam phát triển ngày một vươn cao, vươn xa xứng tầm khu vực và khắp năm châu